TÂM VÔ LẬU : MỤC ĐÍCH CHỨNG ĐẠO LÀ TÂM VÔ LẬU


Chúng ta hãy lắng nghe các vị đại đệ tử của Phật mỗi người đều có một kinh nghiệm tu tập khác nhau, không ai tu tập giống ai nhưng kết quả tâm đều VÔ LẬU. VÔ LẬU là mục đích mà mọi người tu tập đều phải đạt được, như vậy mới gọi là giải thoát. Ông A Nan trình bày sự tu tập của mình theo đặc tướng như sau:
“- Ở đây, này Hiền giả Sariputta, Tỳ-kheo nghe nhiều, gìn giữ điều đã nghe, tích tụ điều đã nghe. Những pháp sơ thiện, trung thiện, hậu thiện, văn nghĩa cụ túc, nói lên phạm hạnh hoàn toàn thanh tịnh, những pháp ấy được vị ấy nghe nhiều và gìn giữ kỹ, được lập lại lớn tiếng, được ý tư duy, được tri kiến khéo quán sát; vị ấy thuyết pháp cho bốn hội chúng với văn cú viên dung, lưu loát, với mục đích đoạn trừ mọi tùy miên. Này Hiền giả Sariputta, hạng Tỳ-kheo này có thể làm sáng chói khu rừng Gosinga”.
Ông A Nan đã trình bày sự hiểu biết tu hành của mình bằng cách nghe nhiều do ông làm thị giả Phật: Khi nghe Phật thuyết giảng là ông ghi nhận trong tâm từng lời nói, từng ý nghĩa, từng hành động tu tập từ thấp đến cao sơ thiện, trung thiện hậu thiện do sự tu tập như vậy sẽ làm sáng chói khu rừng Gosinga. Theo sự trình bày của ông A Nan tu hành rất căn bản: NGHE HIỂU RỒI THỰC HÀNH. Khi ông A Nan trình xong sự tu tập của mình thì ông Xá Lợi Phất hỏi tôn giả Revata:
“- Này Hiền giả Revata, Tôn giả Ananda đã trả lời theo sự giải thích của mình. Ở đây, nay chúng tôi hỏi Tôn giả Revata: Này Hiền giả Revata, khả ái thay ngôi rừng Gosinga… (như trên)… Này Hiền giả Revata, hạng Tỳ-kheo nào làm sáng chói khu rừng Gosinga?”.
Tôn giả Revata trình bày chỗ tu tập của mình là GIỮ GÌN TÂM THANH TỊNH BẤT ĐỘNG trong bất cứ giờ nào, ngày nào chỗ nào cũng ở trong trạng thái KHÔNG TỊCH thì sẽ làm sáng chói khu rừng Gosinga. Đó là kinh nghiệm tu hành của tôi xin trình bày cho các tôn giả đang có mặt trong ngôi nhà mát được nghe:
“- Ở đây, này Hiền giả Sariputta, Tỳ-kheo ưa thích đời sống tịnh cư, vui thú đời sống tịnh cư, nội tâm tu pháp tịnh chỉ, không gián đoạn tâm thanh tinh (thiền định), thành tựu quán hạnh, luôn luôn lui tới các chỗ không tịch. Này Hiền giả Sariputta, hạng Tỳ-kheo này có thể làm sáng chói khu rừng Gosinga”.
Khi nghe xong sự trình bày tu tập của tôn giả Revata thì tôn giả Xá Lợi Phất hỏi tôn giả A Na Luật, còn ông tu tập như thế nào?
“- Này Hiền giả Anuruddha, Tôn giả Revata đã trả lời theo sự giải thích của mình. Ở đây, nay chúng tôi hỏi Tôn giả Anuruddha: Này Hiền giả Anuruddha, khả ái thay ngôi rừng Gosinga… (như trên)… Này Hiền giả Anuruddha, hạng Tỳ-kheo nào làm sáng chói khu rừng Gosinga?”.
Tôn Giả A Na Luật trả lời qua kinh nghiệm tu hành của mình:
“- Ở đây, này Hiền giả Sariputta, Tỳ-kheo, với thiên nhãn thanh tịnh, siêu nhiên, quán sát ngàn thế giới. Này Hiền giả Sariputta, ví như một người có mắt lên trên đỉnh một ngôi lầu tốt đẹp, quán sát một ngàn đường vòng xung quanh. Cũng vậy, này Hiền giả Sariputta, Tỳ-kheo, với thiên nhãn thanh tịnh, siêu nhiên, quán sát ngàn thế giới. Này Hiền giả Sariputta, hạng Tỳ-kheo như vậy có thể làm sáng chói khu rừng Gosinga”.
Ngài A Na Luật trước khi gặp Phật pháp thì Ngài là người bị mù đôi mắt, nhưng khi gặp chánh pháp của Phật Ngài nổ lực tu tập giữ tâm thanh tịnh bất động và chứng đạt Tâm BẤT ĐỘNG nên mỗi khi muốn nhìn thấy Ngài đều dùng Thiên nhãn của mình để thấy mọi vật chớ không còn là đôi mắt thường của chúng ta nữa. Cho nên Ngài trình bày chỉ có người tu tập có cái nhìn thanh tịnh không bị nhiễm ô các dục, không bị dao động bởi các ác pháp, cái nhìn được như vậy thì sẽ làm sáng chói khu rừng Gosinga.
Khi nghe tôn giả A Na Luật trình bài xong thì tôn giả Xá Lợi Phật hỏi tôn giả Đại Ca Diếp còn tôn giả tu tập như thế nào?
“- Này Hiền giả Kassapa, Tôn giả Anuruddha đã trả lời theo sự giải thích của mình. Ở đây, nay chúng tôi hỏi Tôn giả Kassapa: Này Hiền giả Kassapa, khả ái thay ngôi rừng Gosinga… (như trên)… Này Hiền giả Kassapa, hạng Tỳ-kheo nào làm sáng chói khu rừng Gosinga?”.
Nghe hỏi như vậy tôn giả Đại Ca Diếp trình bày sự tu tập của mình:
“- Ở đây, này Hiền giả Sariputta, Tỳ-kheo, tự mình sống ở rừng núi và tán thán đời sống ở rừng núi, tự mình sống khất thực, và tán thán đời sống khất thực, tự mình mặc y phấn tảo và tán thán hạnh mặc y phấn tảo, tự mình sống với ba y và tán thán hạnh ba y, tự mình sống thiểu dục và tán thán hạnh thiểu dục, tự mình sống biết đủ và tán thán hạnh biết đủ, tự mình sống độc cư và tán thán hạnh sống độc cư, tự mình sống không nhiễm thế tục và tán thán hạnh không nhiễm thế tục, tự mình tinh cần, tinh tấn và tán thán hạnh tinh cần, tinh tấn, tự mình thành tựu giới hạnh và tán thán sự thành tựu giới hạnh, tự mình thành tựu thiền định và tán thán sự thành tựu thiền định, tự mình thành tựu trí tuệ và tán thán sự thành tựu trí tuệ, tự mình thành tựu giải thoát và tán thán sự thành tựu giải thoát, tự mình thành tựu giải thoát tri kiến và tán thán sự thành tựu giải thoát tri kiến. Này Hiền giả Sariputta, hạng Tỳ-kheo như vậy có thể làm sáng chói khu rừng Gosinga”.
Ngài Đại Ca Diếp trình bày sự tu tập của mình qua các hạnh buông xả của một người xuất gia ly gia cắt ái sống không gia đình không nhà cửa chỉ còn ba y một bát đi xin ăn hằng ngày ai cho sao cũng ăn được không chê cũng không khen.
Tự mình thích sống trong rừng núi thanh vắng, tự mình thích sống đi khất thực, tự mình thích mặc y áo thô xấu, tự mình thích sống ba y một bát, không thích nhiều đồ, tự mình thích sống thiểu dục tri túc, từ thích sống độc cư, không thích nói chuyện với bất một người nào, tự mình thích sống không đắm nhiễm thế tục, tự mình thích sống siêng năng, tự mình thích sống giữ gìn giới luật nghiêm chỉnh, tự mình thích sống tinh tấn giữ gìn tâm BẤT ĐỘNG, THANH THẢN, AN LẠCVÔ SỰ, tự mình thích sống với tri kiến giải thoát. Sống như ngài Đại Ca Diếp như vậy là đã giải thoát chứng đạo rồi còn gì mà không làm sáng chói khu rừng Gosinga.
Khi ngài Đại Ca Diếp trình bày xong thì ngài Xá Lợi Phất hỏi tôn giả Đại Mục Kiền Liên, còn kinh nghiệm tu hành của Ngài như thế nào?
“- Hiền giả Moggallana, Tôn giả Mahakassapa đã trả lời theo sự giải thích của mình. Ở đây, nay chúng tôi hỏi Tôn giả Mahamoggallana: Này Hiền giả Moggallana, khả ái thay khu rừng Gosinga! … Này Hiền giả Moggallana, hạng Tỳ-kheo nào có thể làm sáng chói khu rừng Gosinga?”.
Khi nghe tôn giả Xá Lợi Phật hỏi như vậy thì tôn giả Đại Mục Kiền Liên trả lời như sau:
“- Ở đây, này Hiền giả Sariputta, hai Tỳ-kheo đàm luận về Abhidhamma (A-tỳ-đàm). Các vị ấy hỏi nhau câu hỏi, và khi được hỏi, các vị trả lời được với nhau chớ không dừng lại (không trả lời được), và cuộc đàm luận về pháp được tiếp tục. Này Hiền giả Sariputta, hạng Tỳ-kheo như vậy có thể làm sáng chói khu rừng Gosinga”.
Tôn giả Mục Kiền Liên là người đệ nhất thần thông trong các hàng đệ tử của Phật, sao ông không đem pháp tu hành nào mà có được thần thông đó. Ở đây ông lại đem bộ luận A-Tỳ-Đàm ra luận bàn thì chúng tôi tin rằng đây có phải là ông Mục Kiền Liên trả lời hay là người sau thêm vào để hạ bệ các hàng đệ tử của Phật. Luận A-Tỳ-Đàm là một bộ sách lý luận chớ đâu phải là những hành động tu tập thanh tịnh làm sáng chói khu rừng Gosinga.
Ở đây chúng ta không được ngài Mục Kiền Liên trình bày sự tu tập như thế nào để trở thành một người đệ tử đệ nhất thần thông của Phật, nhưng chúng ta cũng biết Thần thông đệ nhất đều xuất phát từ tâm BẤT ĐỘNG, dù muốn dù không thì ngài Mục Kiền Liên phải sống trong tâm BẤT ĐỘNG suốt trong bảy ngày đêm thì mới gọi là đệ nhất thần thông.
Khi tôn giả Đại Mục Kiền Liên trả lời xong liền hỏi lại tôn giả Xá Lợi Phất còn Ngài tu hành như thế nào?
“- Hiền giả Sariputta, chúng tôi đã trả lời theo sự giải thích của chúng tôi. Ở đây, nay chúng tôi hỏi Tôn giả Sariputta: Này Hiền giả Sariputta, khả ái thay, khu rừng Gosinga! Đêm rằm sáng trăng, cây Ta-la trổ hoa cùng khắp, hương trời như được tỏa rộng khắp nơi. Này Hiền giả Sariputta, hạng Tỳ-kheo nào có thể làm sáng chói khu rừng Gosinga?”
Nghe hỏi như vậy tôn giả Xá Lợi Phật trình bày sự tu tập của mình để huynh đệ cùng nghe:
“- Ở đây, này Hiền giả Moggallana, Tỳ-kheo điều phục được tâm, không phải Tỳ-kheo không điều phục được tâm. An trú quả nào vị ấy muốn an trú vào buổi sáng, vị ấy an trú quả ấy vào buổi sáng; an trú quả nào vị ấy muốn an trú vào buổi trưa, vị ấy an trú quả ấy buổi trưa; an trú quả nào vị ấy muốn an trú vào buổi chiều, vị ấy an trú quả ấy vào buổi chiều. Hiền giả Moggallana, ví như một vị vua hay vị đại thần của vua có một tủ áo đựng đầy những áo có nhiều màu sắc khác nhau. Cặp áo nào nhà vua muốn mặc vào buổi sáng, nhà vua mặc cặp áo ấy vào buổi sáng; cặp áo nào nhà vua muốn mặc vào buổi trưa, nhà vua mặc cặp áo ấy vào buổi trưa; cặp áo nào nhà vua muốn mặc vào buổi chiều, nhà vua mặc cặp áo ấy vào buổi chiều. Cũng vậy, này Hiền giả Moggallana, Tỳ-kheo điều phục được tâm, không phải Tỳ-kheo không điều phục được tâm. An trú quả nào Tỳ-kheo ấy muốn an trú vào buổi sáng, vị ấy an trú quả ấy vào buổi sáng; an trú quả nào Tỳ-kheo ấy muốn an trú vào buổi trưa, vị ấy an trú quả ấy vào buổi trưa; an trú quả nào vị Tỳ-kheo ấy muốn an trú vào buổi chiều, vị ấy an trú quả ấy vào buổi chiều. Này Hiền giả Moggallana, hạng Tỳ-kheo như vậy có thể làm sáng chói khu rừng Gosinga”.
Sự trình bày tu tập của ông Xá Lợi Phất nhiếp tâm và an trú tâm, muốn hồi nào đều làm được hồi nấy.
“1- Tỳ-kheo điều phục được tâm, không phải Tỳ-kheo không điều phục được tâm.
2- An trú quả nào vị ấy muốn an trú vào buổi sáng, vị ấy an trú quả ấy vào buổi sáng; an trú quả nào vị ấy muốn an trú vào buổi trưa, vị ấy an trú quả ấy buổi trưa; an trú quả nào vị ấy muốn an trú vào buổi chiều, vị ấy an trú quả ấy vào buổi chiều”.
Khi trình bày sự tu tập cho mọi người nghe xong thì tôn giả Xá Lợi Phật đề nghị các tôn giả nên đem đến hỏi Phật qua kinh nghiệm tu hành của mình đúng sai để đức Phật chỉnh sửa lại. Lời đề nghị quá hợp lý nên mọi tôn giả đều rủ nhau đến chỗ Phật để thưa hỏi cho cặn kẻ. Nhất là mọi vị đều thuật lại những công phu tu hành của mình cho đức Phật nghe:
Sau khi nghe xong các tôn giả trình bày, đức Phật chỉ trả lời ngắn gọn mà không phê bình một tôn giả nào tu tập sai pháp cả, có nghĩa là đức Phật chấp nhận các tôn giả đều tu tập đúng nhưng có điều là các ông không khéo trả lời, chỉ thẳng tâm BẤT ĐỘNG.
Đạo Phật tu hành rất đơn giản không có khó khăn không có mệt nhọc, không có cầu kỳ như các tôn giả trình bày pháp tu tập.
Chúng ta hãy lắng nghe đức Phật trả lời pháp môn tu hành một cách đơn giản:
“Này Sariputta, tất cả đều lần lượt khéo trả lời. Và này các ông hãy nghe Ta nói hạng Tỳ-kheo nào có thể làm sáng chói khu rừng Gosinga? Ở đây, này Sariputta, Tỳ-kheo, sau buổi ăn, sau khi đi khất thực về, ngồi kiết già, lưng thẳng, đặt niệm trước mặt, và nghĩ rằng: “Ta sẽ không bỏ ngồi kiết già này cho đến khi tâm của ta được khéo giải thoát các lậu hoặc, không có chấp thủ”. Này Sariputta, hạng Tỳ-kheo như vậy có thể làm sáng chói khu rừng Gosinga”.
Lời dạy của đức Phật tu hành rất đơn giản: “Ta sẽ không bỏ ngồi kiết già này cho đến khi tâm của ta được khéo giải thoát các lậu hoặc, không có chấp thủ”.
Quý vị có nghe lời dạy này không? Tu hành chỉ cần ngồi kiết già hay bán già rồi khéo tác ý để giữ tâm giải thoát các lậu hoặc và không để tâm dính mắc chỗ nào cả tức là không chấp thủ. Tu tập có như vậy mà quý vị sao bị chấp thủ quá nhiều nào là tâm hết vọng tưởng, nào là tâm thanh tịnh, nào là khinh an hỷ lạc, nào là hơi thở nhẹ nhàng, nào là vui mừng hết cở, nào là xúc động rơi nước mắt, nào là kiến tánh thành Phật, nào là niệm Phật nhất tâm, nào là biết vọng liền buông, nào là tham công án, tham thoại đầu, v.v.. Tất cả những tâm niệm này là tâm chấp thủ.
Tu tập ở đây đức Phật dạy rất đơn giản chỉ ngồi kiết già lưng thẳng rồi giữ tâm không lậu hoặc và không để tâm dính mắc một cái gì khác. Xin quý vị lưu ý GIỮ TÂM KHÔNG LẬU HOẶC không có nghĩa là giữ tâm không vọng niệm mà GIỮ TÂM KHÔNG GIẬN HỜN, THƯƠNG, GHÉT, LO BUỒN, SỢ HÃI, v.v.. Ở đây có nghĩa là TÂM THANH THẢN, AN LẠC VÔ SỰ. Khi đức Phật xác định pháp môn tu tập đơn giản còn các vị đệ tử trình bày pháp môn tu tập quá khó khăn và rất phức tạp.



Comments

Popular posts from this blog

NGÔ KỶ - KẺ ĐÂM SAU LƯNG CHÍNH NGHĨA QUỐC GIA VNCH.

NGÔ KỶ - KẺ ĐÂM SAU LƯNG CHÍNH NGHĨA QUỐC GIA VNCH. (bài 2)

NGÔ KỶ - KẺ ĐÂM SAU LƯNG CHÍNH NGHĨA QUỐC GIA VNCH. (bài cuối)